Luật sư Trần Tuấn Anh: “Không nên so sánh mức án giữa Khá 'Bảnh' và Phan Sào Nam'

Trước việc mạng xã hội so sánh mức án nặng, nhẹ giữa Khá “Bảnh” và trùm cờ bạc online Phan Sào Nam, Luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng so sánh như vậy là chưa chính xác, việc tuyên án phải căn cứ nhiều yếu tố.


Ngày 13/11/2019, TAND thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh tuyên phạt Ngô Bá Khá (tức Khá “Bảnh”) 6,5 năm về tội “Tổ chức đánh bạc” và 4 năm tù về tội “Đánh bạc”. Tổng hợp mức án, Khá phải lĩnh 10,5 năm và bị xử phạt 30 triệu đồng. Theo tòa, trong hơn 40 ngày, Khá và đồng bọn đã giao dịch gần 5 tỷ đồng từ việc ghi lô, đề. Khá hưởng lợi gần 300 triệu.


Luật sư Trần Tuấn Anh: “Không nên so sánh mức án giữa Khá 'Bảnh' và Phan Sào Nam'


Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư TP Hà Nội


Trước đó, vào ngày 12/3, TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên y án sơ thẩm với Phan Sào Nam 2 năm tù cho tội “Tổ chức đánh bạc”; 3 năm tù tội “Rửa tiền”, tổng hình phạt 5 năm tù. Đường dây đánh bạc Rikvip/Tip.clib của Nam sau 28 tháng vận hành đã xây dựng hệ thống gồm 25 đại lý cấp I và gần 6.000 đại lý cấp II để lôi kéo gần 43 triệu tài khoản đánh bạc qua mạng; thu về khoảng 10.000 tỷ đồng (chưa thống kê hết), nhóm điều hành hưởng lợi 4.700 tỷ; Nam hưởng lợi hơn 1.400 tỷ.


Sau khi TAND thị xã Từ Sơn tuyên mức án cho Khá, trên mạng xã hội đã có một số ý kiến so sánh mức án giữa Khá và Nam, cho rằng dù phạm cùng một tội danh tổ chức đánh bạc mà mức án Nam nhận nhẹ hơn dù với số tiền cực “khủng”.


Phản bác những ý kiến này, Luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay, nguyên tắc lượng hình được quy định trong Bộ luật Hình sự Việt Nam. Để quyết định mức hình phạt với một người phạm tội, Hội đồng xét xử phải cân nhắc vào rất nhiều các yếu tố như: Tính chất, mức độ của tội phạm gây ra với xã hội; nhân thân của từng bị cáo; động cơ, mục đích thực hiện tội phạm; việc khắc phục hậu quả do tội phạm gây ra; thái độ ăn năn, hối cải; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.


“Chính vì vậy, sẽ có trường hợp nhiều người cùng thực hiện một tội phạm, nhưng hình phạt của người này lại nhẹ hơn người khác, có người được quyết định mức án dưới cả khung hình phạt hay có người được hưởng án treo, nhưng có người lại phải chịu án giam…”, Luật sư Tuấn Anh nhấn mạnh.


Cách quyết định hình phạt với một người phạm tội là sự vận dụng của rất nhiều quy định trong Bộ luật Hình sự, chứ không phải là một công thức cộng, trừ, nhân, chia được áp dụng chung cho tất cả các cá nhân. “Nếu là phép cộng cơ học theo một công thức có sẵn thì có lẽ chỉ cần quét lên máy tính, sau đó áp dụng cho từng người mà không cần phải duy trì cả một hệ thống các cơ quan tư pháp, tòa án phức tạp như hiện nay”, Luật sư Tuấn Anh nói.


So sánh ở khung hình phạt của các bị cáo Nam và Khá được quy định tại Điều 322 Bộ luật Hình sự, có khung hình phạt từ 5 – 10 năm tù. Tuy nhiên, Nam đã nộp lại gần như toàn bộ số tiền hưởng lợi, có nhân thân tốt, có nhiều thành tích trong công tác… Còn Khá thì có lai lịch bất hảo, ý thức chấp hành pháp luật kém. Trước khi đi tù về tội “Cố ý gây thương tích”, Khá từng phải vào trại giáo dưỡng cũng vì việc gây gổ đánh người.


Theo Luật sư Tuấn Anh, đường lối xử lý trong pháp luật hình sự Việt Nam là khoan hồng, giảm nhẹ với những người phạm tội lần đầu, có thái độ ăn năn hối cải, chủ động khắc phục hậu quả do tội phạm gây ra, gia đình có công với cách mạng… và tăng nặng hình phạt đối với những người tái phạm, đã từng có tiền án, tiền sự…


Phi Hùng (Pháp luật Việt Nam)


Nguồn: Đấu trường dân chủ



Nguồn: Hội Cờ Đỏ

Đăng nhận xét

0 Nhận xét