Quảng Ngãi: Tuổi trẻ góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc Kor

Dân tộc Kor huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi có một kho tàng văn hóa dân tộc độc đáo, đặc sắc. Những năm qua, Huyện đoàn Trà Bồng đã triển khai truyền dạy văn hóa dân tộc cho các đoàn viên thanh niên trong các buổi sinh hoạt đoàn, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc Kor.

Chú thích ảnhNghệ nhân hướng dẫn cho ĐVTN thôn Trà Ong, xã Trà Quân tập cồng chiêng. Ảnh: tinhdoan.quangngai.gov.vn

Hơn 2 năm nay, Đoàn Thanh niên xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng đã duy trì việc đưa nội dung truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng, múa cà đáo và các làn điệu dân ca cho đoàn viên thanh niên trong các buổi sinh hoạt đoàn. Với lợi thế có một số nghệ nhân sinh sống tại địa phương truyền dạy nên các bạn trẻ tham gia học rất hào hứng.

Tham gia tất cả các buổi học cồng chiêng, anh Hồ Văn Phi, người dân xã Trà Thủy cho biết: “Khi chưa tham gia những buổi học cồng chiêng, các làn điệu dân ca, tôi chỉ thích những bản nhạc trẻ, thời thượng. Nhưng khi được các nghệ nhân chỉ dạy, tôi thấy dân tộc mình có những bài hát rất hay, những bài đánh chiêng rất độc đáo. Càng tìm hiểu sâu, hiểu được ý nghĩa của từng nhịp trống, nhịp chiêng, ý nghĩa của từng bài chiêng thì tôi càng muốn học nhiều hơn”.

Theo chương trình, mỗi quý, Đoàn Thanh niên xã Trà Thủy sẽ tổ chức một buổi sinh hoạt với chủ đề bảo tồn văn hóa dân tộc. Tại đây, các bạn trẻ sẽ được Nghệ nhân Hồ Ngọc An cùng một số người biết đánh cồng chiêng, am hiểu văn hóa dân tộc giới thiệu về các nhạc cụ truyền thống, các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ. Các bạn trẻ được giới thiệu, chỉ dạy từng bước, từng làn điệu từ đơn giản đến phức tạp.

Là Bí thư Đoàn Thanh niên xã Trà Thủy, nhưng cũng là một trong những tay đánh chiêng khá điêu luyện, anh Hồ Văn Xu luôn cùng các nghệ nhân chỉ dạy tận tình cho các bạn đoàn viên. Anh Xu tâm sự: “Tôi rất tự hào về văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình. Để góp phần giữ gìn, bảo tồn văn hóa dân tộc Kor, thời gian tới, Đoàn xã Trà Thủy sẽ hướng tới việc dạy cồng chiêng, các làn điệu dân ca của đồng bào mình cho các bạn trẻ là học sinh cấp 2, cấp 3 trên địa bàn xã để thế hệ trẻ có kiến thức về văn hóa dân tộc, từ đó yêu thích và có ý thức bảo tồn, gìn giữ và phát huy”.

Nghệ nhân Hồ Ngọc An, một người tâm huyết với văn hóa truyền thống của dân tộc Kor cho biết, khi được đoàn thanh niên nhờ truyền dạy cồng chiêng cũng như các nhạc cụ, văn hóa truyền thống của dân tộc Kor cho các thanh niên, ông rất vui và sẵn lòng để truyền dạy. “Tôi luôn canh cánh vấn đề bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Kor. Bởi thế hệ trẻ ít có người đam mê với các nhạc cụ dân tộc mình, trong khi chúng tôi ngày càng già đi, nếu không truyền dạy cho thế hệ trẻ thì nó sẽ mai một và mất đi. Tôi thấy vui khi nhiều cháu trẻ ham học, yêu thích văn hóa truyền thống”, ông An chia sẻ.

Anh Hồ Văn Út, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Sơn Trà, cho hay, trước năm 2018, khi xã Trà Quân chưa sáp nhập với xã Trà Khê để thành lập xã Sơn Trà. Đoàn Thanh niên xã Trà Quân có một Câu lạc bộ cồng chiêng, múa cà đáo với 30 đoàn viên thanh niên tham gia. Từ năm 2018 đến đầu năm 2021, Đoàn xã đã tổ chức hàng chục buổi dạy học cồng chiêng cho thanh niên. Thời điểm huyện miền núi Trà Bồng chưa có dịch COVID- 19, các buổi học cồng chiêng của thanh niên rất đông vui. Anh Út, cho biết: “Buổi tối tại nhà văn hóa thôn, thanh niên học đánh cồng chiêng, múa cà đáo, hát dân ca, người già, trẻ con đến xem, hòa theo điệu múa, âm vang của tiếng cồng tiếng chiêng khắp cả núi rừng. Nhưng gần một năm nay, do dịch COVID -19 nên việc dạy học các nhạc cụ dân tộc không thể thực hiện được”.

Anh Bùi Tấn Trưởng, Bí thư Huyện đoàn Trà Bồng cho hay, theo Nghị quyết của Huyện ủy Trà Bồng, việc bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số vừa là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, vừa là nhiệm vụ xuyên suốt, lâu dài, cần thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Huyện đoàn đã chỉ đạo Đoàn xã phải thường xuyên, liên tục tổ chức các buổi truyền dạy văn hóa đồng bào mình cho thế hệ trẻ, nhờ đó, nhiều bạn trẻ đam mê và có ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc mình.

Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là nguồn kinh phí để hỗ trợ tổ chức cũng như hỗ trợ các nghệ nhân truyền dạy thì hầu như không có. Cán bộ đoàn cơ sở phải tự bỏ kinh phí hoạt động của địa phương để tổ chức các hoạt động, trong khi nguồn này rất ít.

“Huyện đoàn mong các cơ quan chức năng cần quan tâm, bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ các nghệ nhân cũng như đoàn thanh niên trong việc truyền dạy văn hóa dân tộc. Có như vậy việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mới ngày càng được nhân rộng và mang lại hiệu quả; từ đó góp phần giữ gìn nền tảng tinh thần của xã hội, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững quốc phòng – an ninh huyện”, anh Trưởng nói

Đinh Hương (TTXVN)

Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III sẽ khai mạc ngày 24/12 tại Lai Châu

Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III sẽ khai mạc ngày 24/12 tại Lai Châu

Ngày 16/12, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức họp báo thông tin về Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III, tại tỉnh Lai Châu, năm 2021.

Nguồn: Báo Tin tức

http://hoicodo.com/815147/quang-ngai-tuoi-tre-gop-phan-bao-ton-van-hoa-dan-toc-kor/

Đăng nhận xét

0 Nhận xét