Vũ Tạo - nhà nhiếp ảnh của một thời hào hùng 

Những năm chiến tranh, chúng tôi ngỡ ngàng khi nhìn thấy bức ảnh “Hiên ngang” của Vũ Tạo xuất hiện trên báo và thèm khát chụp được một bức ảnh bộ đội cao xạ chiến đấu dũng cảm, đẹp hoàn mỹ như thế.

“Hiên ngang” (còn có tên Gan thép) ra đời năm 1967, đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ của ảnh chiến sự từ “ảnh tĩnh” sang “ảnh động”, từ ảnh “sẵn sàng chiến đấu” sang ảnh “đang chiến đấu”, mặc dù trước đó đã có những ảnh khói lửa thực sự.

Một tác phẩm ảnh điển hình về những người lính anh hùng 

Vũ Tạo học khóa nghiệp vụ Thông tấn báo chí năm 1965-1966. Lớp chúng tôi ra nghề sau anh một năm. Cảm phục anh đã đành, mà ngay cả các tay máy cự phách từ thời chống Pháp đang cầm máy trong thời chống Mỹ như Nguyễn Văn Phú, Hiệp Đồng, Lâm Hồng Long (VNTTX), Đoàn Tý (Phòng Thông tấn Quân sự), Triệu Đại, Đinh Ngọc Thông, Nguyễn Đình Ưu, Vũ Ba (Báo Quân Đội Nhân Dân) và những người ít tuổi hơn các bác nhiếp ảnh chống Pháp một chút đều “chịu” vẻ đẹp hào hùng hiếm hoi ấy của bức ảnh.  

Khi “Hiên ngang” đoạt giải A tại cuộc thi và triển lãm Ảnh báo chí Toàn quốc năm 1968, thì nó như một cú hích mạnh, thúc đẩy cuộc “thi đua ngầm” của các nhà nhiếp ảnh chiến tranh “săn lùng khói lửa” ở mặt đất trở nên sôi động. Nó  trở thành người chạy tiếp sức cho bức ảnh “Chạy đâu cho thoát” năm 1966 của Mai Nam, Báo Tiền Phong, bức ảnh đã kích hoạt cuộc “săn lùng máy bay cháy” trên bầu trời và bức ảnh “O du kích nhỏ” của Phan Thoan năm 1966, cũng như bức ảnh “Giải thiếu tá không quân Mỹ R.H Sumaker” năm 1965 của Văn Bảo (VNTTX) – là những ảnh từng  dấy lên khí thế bắt sống giặc lái của bộ đội dân quân du kích trên toàn quốc!

Chưa bao giờ nhiếp ảnh lại gắn liền với các hành động anh hùng, các điển hình tiên tiến như vậy! Cứ thế, các nhà nhiếp ảnh Việt Nam cả Nam lẫn Bắc hăng say, cầm máy ảnh đi đến mọi “trọng điểm” bắn phá, mọi con đường huyết mạch, mọi mặt trận ác liệt để “săn” các sự kiện, sự việc nóng hổi đang diễn ra trong thời chiến.

Những năm ấy, “Hiên ngang”, “Chạy đâu cho thoát”, “O du kích nhỏ”… trở thành các tác phẩm ảnh điển hình của phương pháp sáng tác hiện thực, một hiện thực sôi động, nguyên vẹn nói lên khí phách hào hùng bất khuất của Quân đội Việt Nam, của nhân dân Việt Nam. Đồng thời những tác phẩm ấy, đặc biệt là “Hiên ngang” đã nói rất rõ thế đứng của nhà nhiếp ảnh, người cầm máy ảnh cùng chung chiến hào, cùng chung số phận với những người cầm súng. Họ gắn bó với nhau, dũng cảm như nhau, sẵn sàng hy sinh vì tương lai của đất nước. 

Chú thích ảnhHiên ngang! (Phủ Lạng Thương Bắc Giang, năm 1967). Ảnh: Vũ Tạo
Chú thích ảnhBảo vệ Cầu Long Biên, Hà Nội (năm 1967). Ảnh: Vũ Ba

Điều thú vị về “ảnh lửa khói” của các tay máy ngày  ấy rất sinh động, không lặp lại, không rập khuôn. Bởi vì đối tượng chụp ảnh rất phong phú, địa điểm, sự kiện diễn ra ở khắp nơi, thời điểm bấm máy cũng khác nhau và cái nhìn của từng nhà nhiếp ảnh lại càng khác biệt hơn. Cũng chụp ảnh pháo cao xạ 37 ly bắn máy bay Mỹ, Vũ Ba lấy được lửa khói ở đầu nòng pháo nổ rất dữ dội, nền của ảnh lại là các khung thép vòm cầu Long Biên lộ ra trong khói bụi mù mịt. Súng đặt ngay bên cạnh cầu, đợi khi máy bay Mỹ lao xuống cầu dội bom, bắn rốc két là quân ta nhằm thẳng đầu máy bay bắn lên.

Nguy hiểm là vậy, dũng cảm là vậy, nhưng trong ảnh dường như thiếu một chút gì đó về nhân vật chính, về sự mỏng manh sống chết, đó là  tư thế con người, gương mặt con người giữa bối cảnh bom đạn ấy… Đành rằng, người ta không thể ôm mọi yếu tố đầy đủ trong một bức ảnh theo ước muốn, nhưng  tuyệt vời sao, “Hiên ngang” lại thực sự trọn vẹn, hoàn mỹ. Những người lính ở đây đã áp đảo bom đạn, những người lính ở đây đã làm chủ trận địa! Đúng là hiên ngang, đúng là gan thép! Điều bất ngờ đó không bao giờ lặp lại cho Vũ Tạo hoặc cho bất cứ ai! Mãi mãi nó là “độc nhất vô nhị”! 

Có may mắn đấy, nhưng thực ra quá nguy hiểm. Nhà nhiếp ảnh đứng trong trận địa cùng với các pháo thủ, đúng tầm dội bom của máy bay Mỹ. Với ống kính Tele 135mm của máy ảnh Exakta Cộng hòa Dân chủ Đức, Vũ Tạo bình tĩnh chỉnh khuôn hình thu gọn hai đụn khói bom làm nền cho ảnh và lấy nét vào các pháo thủ đội mũ sắt, đeo nùm rơm sau lưng để cản mảnh bom đạn. Cái nùm rơm chống mảnh bom mang chất “dân cày” của những người lính sinh ra từ  nền văn minh lúa nước  mà chỉ Việt Nam mới có, càng khắc họa thêm nét độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Anh kể: “Bom nổ dữ dội, nhưng lính cao xạ cứ thản nhiên như không, khiến mình cũng lỳ hơn. Tiếng bom vừa phát ra, mặt đất rung lên, mình liền ghì chặt máy ảnh vào trán, “nín thở, bóp cò!” đúng yếu lĩnh như bắn súng trường mà thầy Văn Phú dạy. Nhờ vậy, ảnh nét căng và không bị chao mờ”.

Thầy Văn Phú – tức Nguyễn Văn Phú, là phóng viên ảnh thời chống Pháp, tập kết ra Bắc thuộc lớp phóng viên đầu tiên khi thành lập Phân xã Nhiếp ảnh VNTTX (1957). Ông cũng là hội viên sáng lập Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (1965), khóa ấy ông Đinh Đăng Định làm Tổng thư ký đầu tiên, còn ông Phú là ủy viên Ban Thư ký Hội NSNAVN và là ủy viên Ban chấp hành Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.  

Những năm chiến tranh, ông Nguyễn Văn Phú làm việc tại Phòng đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ VNTTX, từng giảng dạy các lớp nhiếp ảnh thời chiến cho cả chiến trường miền Nam, trong đó có các học viên Vũ Tạo, Lương Nghĩa Dũng, Hứa Kiểm, Lâm Tấn Tài, Nguyễn Đặng…

Học trò của ông là những người được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước lĩnh vực nhiếp ảnh và có  những cống hiến cho Hội NSNAVN. Chúng tôi không quên người thầy tài hoa, truyền lửa, dẫn dắt mình vào nghề, nhanh chóng trưởng thành. Chúng tôi thường nghĩ thành tựu của mình đều có công sức của những người thầy đáng kính.

Tình yêu, tình bạn gắn liền với bức ảnh nổi tiếng

Có thể nói, bức ảnh “Hiên ngang” là dấu son tươi thắm ban đầu trong mối tình của nhà nhiếp ảnh Vũ Tạo với cô gái cùng quê, đồng thời cũng là chất keo trong sáng gắn kết tình bạn vong niên của Vũ Tạo và Văn Bảo, nhà nhiếp ảnh đàn anh, hơn tác giả môt giáp (12 tuổi). Cô gái cùng quê ấy là cán bộ trung cấp chăn nuôi công tác tại Nông trường Mía, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, cách đơn vị pháo cao xạ không xa.

Nhận được lệnh phân công lên “trực chiến” ở khu vực cầu Phủ Lạng Thương, Vũ Tạo nói với Tổ trưởng Văn Bảo xin đi trước một ngày để đến thăm người yêu. Văn Bảo là Tổ trưởng Tổ ảnh Quân sự, lại là người kèm cặp Vũ Tạo, chẳng những đồng ý, mà còn muốn đi cùng. Phần vì Văn Bảo rất thích rời phòng biên tập và ảnh báo ra hiện trường chụp ảnh để có sản phẩm, phần vì tò mò muốn biết người yêu của anh phóng viên quân đội trẻ này ra sao, nên anh đã quyết định:

– Để cho nhanh, tớ sẽ đi xe máy lai cậu tới đó, vừa thăm cô ta vừa trực chiến. 

Thấy Văn Bảo thông cảm với mình, anh khấp khởi trong lòng, song lại ngại, không muốn phiền người tổ trưởng tốt bụng. Nhưng  cái lý do cùng trực chiến thì không thể từ chối. Vũ Tạo cười tít mắt, y lệnh luôn. 

Sáng sớm hôm sau, Văn Bảo lấy chiếc xe máy MZ, Cộng hòa dân chủ Đức của cơ quan dành cho phóng viên chiến sự, đổ đầy xăng dầu, buộc chặt túi máy, lai Vũ Tạo vượt cầu Long Biên bon bon thẳng hướng Bắc Giang.  Lúc đến nông trường, hai anh em trình giấy tờ với lãnh đạo, rồi lấy danh nghĩa là “Thủ trưởng” của Vũ Tạo, Văn Bảo vào đề luôn, trước hết đề nghị Nông trường cho hai nhà báo nghỉ lại một đêm, để hôm sau ra trận địa. Sau nữa, nhờ Nông trường tạo điều kiện cho nhà báo Vũ Tạo thăm người yêu, chị Vũ Thị Hiển, cán bộ kỹ thuật chăn nuôi của nông trường. Ông Giám đốc nở nụ cười thân thiện. Chuyện gì chứ, chuyện vun đắp hạnh phúc cho anh chị em nông trường thì ông ủng hộ ngay.

Thế là chiều hôm đó, chị Hiển được nghỉ việc tiếp đón hai nhà báo và tâm sự với người yêu. Sáng hôm sau, Văn Bảo gọi Vũ Tạo dậy sớm, hai người đi xe máy tới gặp Ban chỉ huy đơn vị pháo cao xạ, chia nhau mỗi người trực một trận địa chốt sát đầu cầu. Lúc máy bay Mỹ vào oanh tạc, hai anh chụp liên tục rất đã. Đến xế chiều, máy bay Mỹ không hoạt động nữa, Văn Bảo liền chạy sang trận địa Vũ Tạo lấy phim đã chụp của Tạo cùng với phim của mình đem về Hà Nội tráng. Anh giao nhiệm vụ cho Vũ Tạo tiếp tục ở lại “chiến đấu”. 

Khi tráng phim in ảnh ở 18 Trần Hưng Đạo, thấy ảnh của Tạo đẹp, Văn Bảo thích lắm, lập tức điện thoại gọi các báo đến lấy ảnh. Anh rất hài lòng với quyết định của mình và tấm tắc khen Vũ Tạo với tổ ảnh báo: 

– Các cậu biết không, chuyến đi này Vũ Tạo vớ bở, vừa chính thức ngỏ lời với người yêu, vừa được ảnh đẹp. Tình yêu có khác!

Hôm sau, tấm ảnh đặc sắc ấy được in trên trang nhất các tờ báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội Mới… Và ngay tối hôm đó, “Hiên ngang” được Nguyễn Tấn, Ban tin đối ngoại VNTTX phát Telephoto (ảnh vô tuyến) cho các hãng thông tấn nước ngoài, TASS (Liên Xô), AND (Cộng hòa dân chủ Đức), AFP (Pháp), Reuter (Anh), AP và UPI (Mỹ). 

Rồi sau đó, chính Văn Bảo đã đề xuất và khuyến khích Vũ Tạo đưa bức ảnh này tham gia các cuộc thi và triển lãm ảnh trong nước và quốc tế. Đúng như mong ước, cuối năm 1967, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Quốc khánh Liên xô, “Hiên ngang” được giải III trong cuộc thi và triển lãm Vì sự nghiệp Nhiếp ảnh, do Hội Nhiếp ảnh Liên Xô tổ chức tại thành phố Volgagrad. Tiếp đó, “Hiên ngang”  lại đạt giải A của Hội Nhà báo Việt Nam năm 1968.

Chú thích ảnhĐám cưới trong chiến tranh. Chú rể Vũ Tạo và cô dâu Vũ Thị Hiển ra mắt hai họ và hai thủ trưởng, ông Lê Châu, Phó chủ nhiệm Phân xã Nhiếp ảnh VNTTX (bên trái) và Đại tá Trần Bình, Trưởng phòng Thông tấn Quân sự (bên phải).

Niềm vui nối tiếp niềm vui, hơn một năm sau ngày “Hiên ngang” ra đời, đầu tháng một dương lịch năm 1969, tổ chúng tôi được ăn cưới của người đồng nghiệp Vũ Tạo. Cả Phó chủ nhiệm Phân xã Nhiếp ảnh Lê Châu, và Trưởng phòng Thông tấn Quân sự, Đại tá Trần Bình cùng đến dự. VNTTX cho một xe U-oát ghế dọc trở chúng tôi về Phủ Lý, vượt cầu sang nhà chú rể ở làng Thịnh Châu, xã Châu Sơn, Huyện Kim Bảng, Hà Nam. Đám cưới tổ chức vào buổi tối tại nhà riêng.

Khi chúng tôi đến, đã thấy sân chật ních người nhà và bà con hàng xóm, trẻ em trèo cả lên cửa sổ để xem cô dâu chú rể sắp ra mắt họ hàng. Ngày ấy, Thịnh Châu không có điện, hơn nữa trong chiến tranh, nhiều sinh hoạt chuyển về đêm đều phải bớt ánh sáng, đề phòng máy bay địch phát hiện, bắn phá. Vì vậy đám cưới chỉ có mấy ngọn đèn măng xông, đèn dầu hỏa trong nhà và dưới bếp, góc sân được tăng cường mấy cây đèn soi cá. Đơn giản vậy thôi, nhưng rất vui và nhớ mãi.

Mùa thu năm 1988, Đại úy Vũ Tạo xuất ngũ, về nhà trồng rau, nuôi gà, có năm thu gom bán đá cảnh, đá phong thủy để thêm đồng ra đồng vào. Anh cho một con trai theo học làm ảnh màu cùng con trai Văn Bảo trên Hà Nội, coi như có người  nối nghiệp cha. Tình  thân của  hai ông bố lại được  chuyển tiếp sang các con.

Năm  2006, năm đó tôi là Chủ tịch Hội NSNAVN, được cử vào Hội đồng cấp Nhà nước  xét duyệt Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước, khi Hội đồng công bố kết quả cuộc thẩm định, tôi có danh sách 16 nhà nhiếp ảnh trúng Giải thưởng Nhà nước, trong đó có “Hiên ngang”. Định đợi đến ngày Ban thi đua khen thưởg Trung ương thông báo, thì mới nhắn tin cho Vũ Tạo. Nhưng dịp đó anh phải vào bệnh viện, muốn để anh phấn khởi, vượt qua bạo bệnh tôi liền báo trước cho anh tin vui này. Thế là chiều nào cũng vậy, cứ đến 19 giờ, VTV1 phát bản tin Thời sự, Vũ Tạo lại ngồi vào ghế trước màn hình để nghe tin tức và ngóng đợi Đài chính thức công bố kết quả giải thưởng và ngày lễ trao giải. Anh nói với vợ và các con, đem bộ quân phục sĩ quan trắng ra hiệu giặt là phẳng phiu, chờ đến lễ trao giải thưởng, anh sẽ đóng bộ chỉnh tề đi nhận thưởng. 

Nhưng  rất tiếc, do bệnh hiểm nghèo bùng phát, nhà nhiếp ảnh đã ra đi sớm, không kịp  dự lễ đón nhận danh hiệu cao quí của đời mình. Anh được đưa từ Hà Nội về quê an táng. Lễ tang giản dị như hàng triệu cựu chiến binh khác, có lá quốc kỳ phủ trên quan tài, có những người lính ở vùng quê mặc bộ quân phục trắng nâng quan tài đưa ra xe tang và đội kèn cử hành bản nhạc “Hồn tử sĩ”. Mọi người tiễn đưa anh với lòng thương tiếc một người lính, một nhà báo đã hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang. Người làng cũng mang máng biết anh là nhà nhiếp ảnh xông pha trận mạc hàng đầu, rất hãnh diện làng mình có nhà báo nhiếp ảnh nổi tiếng, nhưng chưa biết một vinh dự lớn đang chờ anh.

Vinh dự ấy đã đến, ngày 10/3/2007, lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước được long trọng tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội. Hai người vợ của hai nhà nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng và Vũ Tạo, được các con đưa đến nhận Giải thưởng Nhà nước của hai ông. Năm ấy, hai bà đã là thông gia với nhau, cháu Lương Xuân Trường con trai thứ liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng đã kết duyên cùng cháu Vũ Thị Hiền con gái út Vũ Tạo. Có lẽ vì tình thân của hai ông bố từng sống chết bên nhau trong chiến tranh, nên có cơ duyên để hai cháu về chung một nhà. Nét mặt hai bà lúc ấy không giấu nổi sự xúc động nhớ thương chồng, xen lẫn niềm tự hào về chồng và hạnh phúc của các con mình.

Vũ Tạo còn một kho báu lớn sau “Hiên ngang”

Trong 9 năm chinh chiến, cùng với “Hiên ngang”, Vũ Tạo đã để lại hàng nghìn tấm ảnh giá trị, một bằng chứng hùng hồn về cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của nhân dân Việt Nam. Thời gian càng lùi xa, nhìn lại toàn bộ kho tàng ảnh của Vũ Tạo, càng thấy giá trị lớn lao của nó, càng cảm phục anh, nhà nhiếp ảnh bám sát các binh chủng Phòng không không quân, Hải quân, Bộ binh, Đặc công, Tăng thiết giáp, Dân quân Tự vệ, Thanh niên xung phong…

Anh lăn xả trên các chiến dịch Khe Sanh năm 1968, Đường 9 Nam Lào năm 1970, 1971, giải phóng Quảng Trị xuân hè 1972, Hà Nội, Hải Phòng 12 ngày đêm chiến thắng B.52, năm 1972 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, năm 1975. Vẫn chưa hết, anh lại có mặt trên biên giới phía Bắc ghi được hình ảnh quân dân ta chống bọn bành trướng Bắc Kinh năm 1979, và tại Campuchia năm 1982, 1983…

Chú thích ảnhCầu Quảng Trị bị pháo kích dữ dội tháng 4/1972.

Tại đây, xin dẫn ra một số ảnh của Vũ Tạo mà báo chí đã đăng và chưa đăng, mà công chúng ngày nay ít có dịp thưởng ngoạn… Không chỉ có những ảnh chiến đấu dữ dội, khói lửa ngút trời như “Hiên ngang”, “Cuộc tập kích cầu Quảng Trị”, “Đánh chiếm căn cứ Tân Lâm, Quảng Trị”…, Vũ Tạo còn chụp được những tình huống đặc biệt, những sự kiện đặc biệt thể hiện chiều sâu của chiến tranh, chiều sâu tâm trạng người lính, tinh thần nhân đạo của bộ đội Bác Hồ. “Tiết kiệm sương máu” không chỉ dành cho quân đội ta, mà dành cả cho quân đối phương, vì trước sau họ cũng là người Việt chúng ta, ngay là lính Mỹ hoặc bất cứ người lính nước ngoài nào được cứu sống đều là sự hỉ xả của dân tộc ta. Rất đáng trân trọng khi ta tìm thấy tinh thần nhân văn đó trong ảnh Vũ Tạo. 

Chú thích ảnhChiến sĩ Đoàn Sơn Mỹ băng bó vết thương cho lính Sài Gòn ở mặt trân Động Toàn, Quảng Trị, năm 1972. Ảnh: Vũ Tạo (VNTTX) 
Chú thích ảnhCác chiến sĩ Đại đội 1, Đoàn Sơn Mỹ, ngừng nổ súng, gọi địch ra hàng tại điểm cao 365 mặt trận Đường 9, Quảng Trị, năm 1972. Ảnh: Vũ Tạo (VNTTX)

Đấy là cảnh quân ta bắc loa gọi đối phương đầu hàng tránh đổ máu, cảnh chiến sĩ ta cứu thương cho lính đối phương tại bãi chiến trường, cảnh phản chiến của Quân đội Sài Gòn đươc quân Giải phóng tiếp nhận…

Chú thích ảnhSĩ quan, binh lính Trung đoàn 56 Sài Gòn phản chiến, được Quân Giải phóng tiếp nhận. Hàng đầu, Thiếu tá Tôn Thất Mãn bắt tay sĩ quan Quân Giải phóng trước sự hoan hô của binh lính Cộng hòa (Quảng Trị năm 1972). Ảnh: Vũ Tạo

Đấy là Quảng Trị máu lửa mà anh và Lương Nghĩa Dũng những năm 1970, 1971, 1972 cùng có mặt, cùng chia lửa với nhau. Nhưng, người bạn, người đồng chí, đồng nghiệp  của anh, nhà nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng đã ngã xuống vào ngày giải phóng thị xã Quảng Trị, 1/5/1972. Một nghịch cảnh chiến tranh diễn ra trong đời cầm máy của Vũ Tạo, bạn mình thì mất (sau đó là thông gia với mình), còn đối phương được gọi hàng và cứu chữa! Những tình huống anh gặp, những tấm ảnh anh chụp, cứ giằng xé lòng anh khôn nguôi. Làm sao không nhói con tim khi anh ghi lại cảnh một chiến sĩ Giải phóng băng bó vết thương cho lính công hòa tại bãi chiến trường đổ nát, cạnh hai người lại có một thi thể máu đỏ da vàng nằm dốc ngược, lộ rõ khuôn mặt trẻ trung, mái tóc đen nhánh!

Vẫn là trái tim nhạy cảm của người lính cầm máy ảnh ấy, ngày giải phóng miền Nam anh đã chụp được xe tăng chiếm Dinh Độc Lập, nội các Dương Văn Minh đầu hàng và cả câu thơ viết bằng máu trên vách tường nhà tù Côn Đảo của các chiến sĩ bị tra tấn, sát hại:

“Máu ta quí cả hơn vàng
Tổ Quốc cần đến sẵn sàng ta dâng.”

Chú thích ảnhCâu thơ viết bằng máu trên tường nhà tù Côn Đảo. Ảnh: Vũ Tạo, tháng 5/1975.

Chụp được câu thơi đó, Vũ Tạo nhòa nước mắt, cứ nghẹn ngào, thương nhớ Lương Nghĩa Dũng. Một lần giỗ Lương Nghĩa Dũng, anh  kể lại với Văn Bảo và tôi như vậy. Thời gian trôi đi, nắng biển, gió biển mặn mòi bào mòn, không biết câu thơ bằng máu đó, nét chữ bằng  máu đó còn đậm tím trên vách tường nhà tù được bao nhiêu năm nữa? Nhưng rất may, với ảnh của Vũ Tạo thì câu thơ máu đó cùng với “Hiên Ngang” và hàng nghìn bức ảnh chiến đấu, chiến thắng của anh sẽ đọng lại như những hạt kim cương, một bằng chứng lịch sử sống cho muôn đời về lòng yêu nước, khí phách kiên cường bất khuất của người Việt Nam. Và ánh sáng của những bức ảnh kim cương đó còn lan tỏa mãi mãi trên các trang sách báo in, trên màn hình các trang báo mạng hôm nay và mai sau. 

Chú thích ảnhGiờ phút đầu tiên đặt chân lên đất liền. Các chiến sĩ cách mạng từ nhà tù Côn Đảo chiến thắng trở về (Vũng Tầu tháng 5/1975). Ảnh: Vũ Tạo (VNTTX)

Xem lại ảnh của Vũ Tạo và nhiều đồng nghiệp thời chiến tranh, tôi thảng thốt tự hỏi, ảnh của Vũ Tạo như thế, của Văn Bảo như thế, của Phan Thoan như thế, của Vũ Ba như thế, của Mai Nam như thế, của Trần Bỉnh Khuool như thế và trước nữa, ảnh của cụ Nguyễn Tiến Lợi, của cụ Triệu Đại Trong kháng chiến chống Pháp, cũng như ảnh của nhiều người khác nữa, sao mới ở mức Giải thưởng Nhà nước, mà chưa đứng vào đỉnh cao Giải thưởng Hồ Chí Minh như Lương Nghĩa Dũng, Lâm Hồng Long, mà thực chất, “mỗi người mỗi vẻ, mười phân vẹn mười”!

Phải chăng chúng ta còn nợ các bậc đàn anh một danh hiệu đích thực cao quí? 

Chu Chí Thành (Tuần Tin Tức)

Những lá thư đi qua chiến tranh

Những lá thư đi qua chiến tranh

Sau năm 1954, miền Bắc được giải phóng, miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Rất nhiều thanh niên nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, đã tạm biệt gia đình, gác lại sự nghiệp, tình yêu…cầm súng lên đường chiến đấu. Khoảng cách xa xôi, cách biệt núi sông, lửa đạn, thứ duy nhất để kết nối giữa tiền tuyến và hậu phương là những bức thư tay.

Nguồn: Báo Tin tức

http://hoicodo.com/760831/vu%cc%83-ta%cc%a3o-nha-nhiep-a%cc%89nh-cu%cc%89a-mo%cc%a3t-thoi-hao-hungnbsp/

Đăng nhận xét

0 Nhận xét